Nếu như trước kia, để tìm một lời hứa và một lời hẹn ước thì phải trải qua biết bao nhiêu khó khăn vất vả và phải thật tin tưởng. Thì ngày nay, một số teens lại sử dụng lời thế thốt, lời hứa như một công cụ chứng minh dễ dàngvà một phản ứng bình thường trong những cuộc nói chuyện. Các bạn í "hứa cho có" mà thôi.
Lạm dụng lời hứa…để thất hứa
Trong gia đình, ngay từ nhỏ, các teens luôn được ba mẹ hướng dẫn rằng “khi phạm lỗi phải biết xin lỗi”. Và mỗi lần phạm lỗi xong, các teens đều phải “hứa từ nay không vi phạm nữa”. Có lẽ cũng vì thế, mà khi lớn lên hễ cứ phạm lỗi gì là teens có thể “hứa ngay”, không cần suy nghĩ rằng mình có làm được hay không. Thậm chí, lời hứa của teens, nó được sử dụng thường nhật như một câu nói cửa miệng: “em thề, em hứa, em đảm bảo”.
Ngoài xã hội, với bạn bè thầy cô, hay trong lớp học cũng vậy, cứ mắc phải lỗi là teens có thể dễ dàng hứa để tăng thêm vẻ thành khẩn của mình, những mong hình phạt nó có thể nhẹ nhàng hơn. Nhưng sau đó, teens lại “vô tư như chưa có chuyện gì xảy ra”. Thậm chí, khi gặp những trường hợp tương tự, teens lại có thể “hứa ngay lại được và không một chút ngại ngùng”.
Viễn Mỹ, 17 tuổi cho biết: “Lớp mình có một bạn hay hứa lèo lắm. Phong trào nào của lớp, hắn cũng hồ hởi bảo sẽ tham gia. Thậm chí, tự ứng cử những vị trí quan trọng. Thế mà, chưa một lần, hắn tham gia đầy đủ và nhiệt tình. Cứ hết lần này đến lần khác, hắn ta hứa đi hứa lại rằng “sẽ tham gia nhiệt tình, không vắng mặt và không đến trễ nữa”. Vậy mà mười lần như một, chẳng bao giờ giữ nổi một cái hẹn cho bản thân. Sau này bạn bè tìm hiểu mới biết. Hắn xin tham gia làm cái cớ, để xin gia đình đi ra ngoài, rồi đi chơi điện tử. Thật là “hết thuốc chữa”.
Trong chuyện tình cảm cũng chẳng khá hơn là bao, để tăng phần “hối cải”, và để thêm chút xúc động “lòng người”, một số teens dễ dàng thề thốt hứa hẹn đủ điều. Để rồi khi mọi chuyện qua đi, teens lại vẫn “tỉnh bơ như chẳng biết gì”.
Thanh Lan, 18 tuổi cho biết: “Mình quen bạn trai ở xa. Hai đứa rất yêu nhau. Nhưng có một điều đáng buồn là bạn ấy hay “hứa rồi lại không thực hiện đúng”, làm mình thất vọng lắm. Cứ có mỗi chuyện: “Ít chơi games, đi ngủ đúng giờ để hôm sau không ngủ quên lại muộn học” thôi. Mà mình cứ phải nói đi nói lại rồi cãi nhau. Rồi không chỉ những chuyện nhỏ nhặt, đến những chuyện lớn cũng vậy. Dần dần mình cảm thấy bạn ấy chỉ hứa với mình cho qua chuyện chứ không thật sự tôn trọng mình”.
Không chỉ riêng trường hợp của Thanh Lan, rất nhiều teens sử dụng lời hứa như một công cụ để “giữ người yêu”, thế những khi giữ được rồi thì “quên ngay đi”, chẳng khác gì một lời nói.
Teen đang xem nhẹ giá trị lời hứa của mình. (Ảnh minh họa)
Tác hại của những lời hứa không suy nghĩNhững người được teens hứa thì chí ít, người đó cũng phải giữ một “vị trí” lớn lao nào đó trong lòng teens. Và khi teens “hứa nhưng lại không tôn trọng lời hứa của mình”, sẽ khiến người ấy vô cùng thất vọng và mất niềm tin.
Trong gia đình, những lời hứa không có trọng lượng, hay hứa cho có sẽ làm giảm sút sự tin tưởng của phụ huynh cho chính bản thân teens. Nhất là khi teens muốn năn nỉ hay xin xỏ một điều gì đó. Nếu teens là một người giữ chữ tín và luôn thực hiện đúng theo những gì mình cam kết, thì ắt hẳn, phụ huynh luôn tin tưởng. Như vậy, sẽ dễ dàng “đưa ra điều kiện” và “xin” dễ hơn so với những teens hay “hứa để đó” là điều hiển nhiên.
Minh Thành, 16 tuổi cho biết: “Bố mẹ mình khá nghiêm khắc. Vì thế từ bé, mình đi đâu cũng phải xin phép và hứa sẽ về đúng giờ. Một lần, mình muốn đi ra ngoài đi chơi games với mấy thằng bạn, mà sợ xin đi mẹ lại không cho, thế là mình xin “đi học nhóm” và hứa sẽ không đi chơi lung tung. Kết quả là Mẹ mình biết được. Thế là mình bị phạt cấm cung cả tuần ở nhà, cũng vì cái tội “hứa lèo”. Thật là khổ”.
Trên trường lớp hay ở ngoài xã hội. Nếu teens chỉ biết “nói và đưa ra mục tiêu”, nhưng lại không thực hiện nó, thì sự tín nhiệm của bạn bè, thầy cô trong teens không thể nào “cao” được. Nhất là khi lớn lên, nếu duy trì một thói quen “không trọng lời hứa của bản thân”, thì không chỉ thu nhỏ trong phạm vi nhà trường và bạn bè, vị trí xã hội của teens cũng không thế “phát triển thuận lợi”. Lí do chính cũng bởi không ai muốn đặt niềm tin vào những người hay “hứa xuông, hứa lèo”.
Những người giữ vị trí cao trong xã hội, lời hứa của họ rất có trọng lượng. Một lời họ nói ra, luôn là niềm tin cho rất nhiều con người “phía dưới”. Vì vậy, chỉ những người “nói được, hứa được và lam được”, mới khiến người khác phải kính nể và tôn trọng.
Còn trong chuyện tình cảm cũng vậy, hứa để gây dựng lòng tin trong mắt đối phương. Thế nhưng việc “hứa mà không giữ lời”, hay “hứa rồi lại quên” lại càng người đó thêm “thất vọng đè thất vọng”. Có thể, lời hứa sẽ giúp teens “giữ” được “đối phương” trong một lần phạm lỗi. Nhưng nếu chỉ “biết nói”, mà không “biết làm”, thì sự thất vọng và chán nản của đối phương sẽ tăng bội phần. Yêu nhau, thì luôn dựa trên sự tin tưởng. Và một khi sự tin tưởng không còn, thì tình yêu, sớm muộn cũng tan vỡ.
Kết
Có thể nói, dù không có ý xấu, nhưng rất nhiều teens có thói quen “hứa cho qua chuyện”. Vì thế, để không trở thành một người “chỉ giỏi hứa”, teens hãy cẩn trọng những câu nói hay câu hứa hẹn của mình ngay từ hôm nay. Cố gắng thực hiện những điều mình hứa, để những người cung quanh luôn tin tưởng và yêu mến, teens nhé.