Friday, November 13, 2009

Gian hàng trung thực dành cho teen

Một sinh viên (SV) tới lấy hai cây viết (giá 1.500 đồng/cây) rồi tự động móc ví ra tờ 5.000 đồng bỏ vào một chiếc hộp và lấy lại 2.000 đồng từ chiếc hộp khác tại một gian hàng được đặt ngay lối đi.
SV mua hàng tại gian hàng tự chọn, tự trả tiền – Ảnh: Ph.Tuần
Gian hàng ấy chẳng có người bán, người quản lý hay bảo vệ nào giám sát quá trình mua bán. Gian hàng đặc biệt đó ở giảng đường H, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (1A Hoàng Diệu, Q. Phú Nhuận, TP.HCM) do Đoàn khoa kinh tế phát triển (ĐH Kinh tế TP.HCM) tổ chức. 

Tự mua, tự trả tiền
“Khi chúng tôi được trao môi trường tin tưởng thì bản chất của đức tính trung thực, lòng tự trọng trong mỗi SV sẽ có dịp thể hiện. Nó đánh tan sự dối trá, tham lam và luôn có tinh thần hướng đến cái thiện” (Nguyễn Thanh Huyền, SV lớp KTBĐS K33)
Gian hàng gồm bánh kẹo, sách vở, mì gói, bút viết…và những chiếc hộp đựng tiền với các mệnh giá khác nhau từ nhỏ đến lớn. Mọi giao dịch đều do SV tự giác thực hiện mà không có ai quản lý. Có một bức thư ngỏ dán ở đó.
Một SV tới lấy hộp sữa rồi bỏ 3.000 đồng vào hộp tiền mệnh giá tương ứng, một bạn khác mua quyển sách 16.000 đồng thì bỏ 20.000 đồng vào rồi tự động lấy lại 4.000 đồng tiền dư. Gần hai năm nay SV đã quen với việc mua hàng tự trả tiền.
Bạn Đinh Thị Mỹ Duyên, lớp nhân lực K32, nói: “Buổi trưa ở lại trường, đi ra ngoài ăn cơm thì xa. Tiện khu giảng đường có máy nước nóng nên mình hay đến gian hàng mua mì tôm ly “đánh nhanh” bữa trưa. Rất tiện lợi mà giá cả thấp hơn bên ngoài”.
Vì không cần người trông coi nên gian hàng hoạt động tất cả các ngày trong tuần. Buổi sáng các bạn phụ trách dọn ra, buổi chiều thu dọn vào sau khi kiểm tra, tổng kết hàng hóa và số tiền bán được sau một ngày. “Tất cả sản phẩm của gian hàng tụi mình mua giá sỉ tại Chợ Lớn. Mục đích chính là phục vụ SV nên bán rất sát giá, thấp hơn nhiều so với ngoài thị trường. Một ngày chỉ lời 20.000 – 30.000 đồng. Một thùng góp ý đặt cạnh đó để SV đề xuất thêm sản phẩm và góp ý hướng phát triển mô hình” – bạn Phạm Thị Lu Đa, phó bí thư Đoàn khoa, cho biết.
Thượng tôn tính trung thực
Tác giả của gian hàng lạ lùng đó là tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bảo, phó khoa kinh tế phát triển, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Ông kể: “Khi đi học tại Nhật, có dịp ghé thăm một ngôi làng nhỏ ở Osaka, tôi vào cửa hàng khá lớn. Có khá nhiều mặt hàng nhưng một điều rất đặc biệt là tôi nhìn hoài chẳng có người bán. Khách hàng mua sản phẩm thì tự động bỏ tiền vào hộp. Khi về Việt Nam tôi nói chuyện với anh em trong khoa về mô hình rất hay này. Và khoa đồng ý xuất ra 5 triệu đồng giao cho Đoàn khoa thực hiện”.
Giá trị của nếp sống văn minh, lòng trung thực luôn được khuyến khích, giáo dục trong giới trẻ hiện nay. Môi trường của cái thiện sẽ rèn luyện cho các bạn trẻ sau khi ra đời. Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Bảo nói thêm: “Khoa sẵn sàng chi ra 5-7 triệu đồng để rèn luyện đức tính trung thực trong SV, nếu có thất bại thì chúng tôi vẫn nhận được rất nhiều cái quý giá hơn đồng tiền: đó chính là sự khơi dậy bản tính trung thực của con người nói chung và SV nói riêng”. Sau hai năm, mô hình hoạt động rất thành công, chưa xảy ra trường hợp gian lận nào.
Sắp tới ban chủ nhiệm khoa sẽ đề xuất mô hình “gian hàng tự quản” lên Sở Văn hóa, thể thao và du lịch TP.HCM, Sở GD-ĐT TPHCM để đưa vào áp dụng tại một số trường tiểu học ở TP.HCM. Nâng cao tinh thần văn hóa, tính trung thực của các em.
Thông điệp
“Bước vào một cửa hàng mà người bán hàng kè kè đi theo, bạn có cảm thấy khó chịu không? Có bao giờ bạn bước vào một cửa hàng đông người bán hàng, bạn có nghĩ rằng việc này sẽ làm đội giá sản phẩm lên? Bước vào một cửa hàng người ta quá niềm nở với bạn, bạn mua hàng với giá trị thấp, bạn có cảm thấy áy náy không?…
Cửa hàng của chúng tôi hoàn toàn không có những điều đó, vì không có người bán hàng. Chúng tôi sẵn sàng cạnh tranh với tên khổng lồ Wal – Mart nhưng cũng sẵn sàng đối mặt với tình trạng phá sản. Một điều biết chắc rằng sự thành công của chúng tôi đồng hành với tính trung thực của khách hàng”.
(Trích thư ngỏ của gian hàng)