“Đã hơn 5 năm nay, trong nhiều cuộc họp các cấp có thẩm quyền, chúng tôi đề xuất, kiến nghị phải có chế tài đối với hành vi nữ nhân viên các quán cà phê, massage kích dục cho khách nam giới. Nhưng kiến nghị nhiều mà chẳng thấy hồi âm”, chỉ huy Đội QLHC về TTXH – CAQ Hai Bà Trưng cho biết về hiện tượng nhức nhối trên địa bàn.
500 mét, hơn 20 quán “thư giãn”
Đó là đoạn phố Vọng, giáp ranh giữa hai phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) và Phương Liệt (quận Thanh Xuân). Nhiều người coi trục phố này là điểm ăn chơi của Hà Nội. Sau 19h đi ngang qua đây, không ít vị khách nam giới không khỏi “bồi hồi” khi bắt gặp những biển hiệu màu hồng và đằng sau đó là thấp thoáng bóng dáng những cô gái trẻ trong trang phục thiếu vải. 23h trở đi, anh Phạm Trung Khánh Tùng, nhà ở phường Tương Mai, người thường xuyên phải đi qua trục phố này kể, “nhân viên nữ của các quán trong trang phục thiếu vải nhao ra đường, hoặc mời chào khách, hoặc… đánh cầu lông”. Không rõ khách vào những cái quán này sẽ được “thư giãn” đến mức nào, nhưng người dân sở tại thì ảnh hưởng đủ đường; còn chính quyền cơ sở bị mang tiếng là buông lỏng quản lý.
22h30 ngày 27-11, lực lượng công an bất ngờ kiểm tra hành chính cửa hàng gội đầu tẩm quất 238 phố Vọng. 2 nữ nhân viên của quán này bị bắt quả tang khi đang… dùng miệng để kích dục cho 2 vị khách nam giới. Cơ sở kinh doanh dịch vụ này do Võ Hoàng Ân (SN 1972), quê quán huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình làm chủ. Đáng chú ý, trước đó 1 ngày, tổ công tác CAP Phương Liệt đã kiểm tra hoạt động kinh doanh gội đầu tẩm quất thư giãn cũng do Võ Hoàng Ân làm chủ, tại 212 phố Vọng. Thời điểm trên, 1 nữ nhân viên của quán này đã bị bắt quả tang đang có hành vi kích dục hết sức kỳ quái cho 1 thanh niên. Chỉ huy CAP Phương Liệt cho biết, 3, 4 đêm cuối tháng 11-2009 các anh tiến hành kiểm tra hành chính những quán “thư giãn” trên, lần nào cũng bắt gặp cảnh chướng mắt bên trong.
Ngày càng nhiều quán "thư giãn" mọc lên
Hại thân vì “thư giãn”
Một nguy cơ khác, dù không phải là phổ biến, nhưng đã từng xảy ra nhiều hiện tượng mâu thuẫn giữa khách với khách, khách với nhân viên của quán trong quá trình vào “thư giãn”, dẫn đến ẩu đả. Trên phố Vọng từng xảy ra án mạng của một vị khách nam giới sau khi vào quán “thư giãn” ra. Hay mới đây, dịp trung tuần tháng 11 vừa rồi, tại 1 quán “thư giãn” trên đường Đại Cồ Việt, anh Đào Minh K, nhà ở Ngọc Khánh, quận Ba Đình đã bị nhóm 4, 5 đối tượng dùng dao tông, tuýp nước tấn công khi đang nằm “thư giãn”.
Đỉnh điểm của sự phức tạp của loại hình “cà phê, gội đầu – thư giãn” phải nhắc đến vụ cướp tài sản trong một quán “tẩm quất” ở phố Phan Đăng Lưu, huyện Gia Lâm. Quán này do Phạm Văn Thanh, 23 tuổi, nhà ở thị trấn Yên Viên làm chủ. Để “câu” khách, nhân viên trong quán của Thanh ban đầu chỉ chào mời “vé” mỗi lần thư giãn từ 50.000 – 100.000 đồng. Tuy nhiên khi thanh toán, các đối tượng lại đóng cửa, đòi khách phải thanh toán gấp 2, 3 lần so với thỏa thuận ban đầu. Nếu phản ứng, khách sẽ bị nhân viên của quán giữ lại, đe dọa, đánh đập. Ngoài Phạm Văn Thanh, cơ quan công an còn bắt Lê Văn Kỳ, 20 tuổi, quê quán huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, về hành vi cướp tài sản. Kỳ là nhân viên quán cà phê do Thanh quản lý.
Bao giờ… có chế tài mạnh?
Chỉ huy CAH Phương Liệt cho biết, phường và quận đã tổ chức họp các hộ kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” này để chấn chỉnh. Nội dung chính là nhắc nhở các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm cam kết về ANTT, không được để xảy ra hoạt động mại dâm trá hình tại cơ sở và đóng cửa đúng giờ quy định. Thời gian tới, theo chỉ đạo của CAQ Thanh Xuân, phường Phương Liệt sẽ tăng cường kiểm tra hoạt động ở các quán “thư giãn” này nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Những biện pháp, chủ trương mà phường Phương Liệt đang thực thi là hết sức cần thiết và được coi là khá quyết liệt. Song tìm hiểu về công tác xử lý ở địa bàn này cũng như những quận, huyện đang “nóng” về loại hình cà phê, gội đầu “thư giãn”, chúng tôi ghi nhận sự lúng túng và cả những bức xúc của lực lượng chức năng. Hành vi chính là việc nhân viên nữ của quán kích dục cho khách bằng tay hay bằng miệng, ngay cả khi bị bắt quả tang, cũng khó “áp” vào điều, khoản của quy định nào để xử lý. Được biết, có địa bàn từng “áp” mức xử phạt vi phạm đối với chủ quán “thư giãn” lên đến hơn 10 triệu đồng; nhưng các lỗi để phạt lại là việc chủ quán không ký hợp đồng lao động với nhân viên, quán hoạt động không có đăng ký kinh doanh, hoặc mở cửa quá giờ hay để biển hiệu lấn chiếm hè đường (!).