Wednesday, December 16, 2009

Cuộc quật mồ kinh dị của xác chết 41 năm

Khi bật nắp quan tài, ai cũng ngạc nhiên khi thấy xác Hạo vẫn tươi tắn như đang ngủ, không giống như người chết. Người nhà ông Bửu khóc rú lên, có người cứ vỗ vào má Hạo gọi dậy.

Theo lời ông Định Bửu, đêm thứ ba kể từ khi Hạo mất, ông nằm ngủ, cứ thấy bồn chồn không yên và như có điều gì xui khiến ông phải quật mồ con trai lên.
Ngay sáng hôm sau, ông Bửu họp mặt gia đình nói về sự bồn chồn đó và đề xuất mọi người thử đào mộ xem điều báo mộng có đúng không, tuy nhiên, mọi người đều gạt đi.



Khi quật mộ lên, xác ông Hạo như người đang ngủ.
Đến chiều hôm đó, khi mọi người đang tề tựu trong nhà thì có một người lạ mặt bước vào và nói về chuyện người con trai vừa chết của ông Bửu. Ông này có dáng vẻ rất đặc biệt, người gầy gò khô héo như cây sậy, râu dài đến ngực, tóc phủ chấm vai và đôi mắt rất sáng.
Sau khi nghe ông Bửu tâm sự, người lạ bảo: “Tôi khẳng định với gia đình rằng xác của cậu bé vẫn chưa phân hủy đâu, gia đình nên đào lên để cất giữ. Xác cậu bé này sẽ tồn tại vĩnh cửu”.
Người lạ chỉ nói vậy, rồi chắp tay trước ngực cúi chào từ biệt gia đình.
Ngay đêm ấy, ông Bửu lại họp mặt gia đình và đề xuất lại chuyện quật mồ, tuy nhiên, mọi người vẫn bác bỏ, cho rằng chuyện người lạ nói và sự bồn chồn của ông Bửu chỉ là chuyện ngẫu nhiên.
Những ngày sau đó, ông Bửu cứ thức chong chong, không thể nào nhắm mắt. Hễ khép mi vào, ông lại thấy rõ hình ảnh người con trai mà ông hết mực yêu quý.
Sợ ông Bửu thương nhớ con mà chết, nên gia đình đã bàn bạc và quyết định quật mồ con trai ông, cốt để ông hài lòng.
Cuộc quật mồ kinh dị của xác chết 41 năm
Các bác sỹ của chính quyền Sài Gòn đã vào cuộc tìm hiểu song không thể giải thích nổi hiện tượng kỳ lạ này.
Cụ Bảy Quỹnh, người cùng xóm, giờ đã 90 tuổi, từng tham gia khai quật mộ ông Hạo kể lại: “Hôm ông Bửu nhờ mấy người chúng tôi quật mộ thằng Hạo, tôi cũng sợ lắm. Nếu mọi việc xảy ra như lời người lạ kia nói thì không sao, chứ xác nó mà trương thối rồi thì tội nghiệp nó lắm, sống đã bị bệnh tật đày đọa, chết cũng không được yên…
Lúc nhấc áo quan lên khỏi mặt đất, người lấy khăn che mũi, người xức rượu vào quần áo để tránh ám mùi. Những người quật mộ cũng tẩm rượu vào bông gòn nhét vào lỗ mũi. Ai cũng chắc chắn rằng xác ông Hạo đang phân hủy nên sẽ bốc mùi khủng khiếp."
Ông Quỹnh kể tiếp: “Khi bật nắp quan tài, ai cũng há hốc miệng ngạc nhiên khi thấy xác Hạo vẫn tươi tắn như đang ngủ, không giống như người chết. Mấy người nhà ông Bửu khóc rú lên, có người cứ vỗ vào má thằng Hạo gọi dậy, nhưng chẳng thấy có phản ứng gì”.
Điều lạ lùng là khi mới chết, cơ thể ông Hạo cứng đơ, nhưng khi quật mộ lên thì xác lại mềm, da dẻ hồng hào hơn.
Tin lời người lạ kia, ông Bửu đã đưa xác con về, đặt lên tấm phản, rồi phủ vải lên. Hàng ngày, ông ngồi bên xác con trai trò chuyện, rồi lại cầu Trời khấn Phật với hy vọng có một phép màu làm Hạo sống lại.
Thông tin “xác chết đội mồ trở về” lan truyền khắp nơi, trở thành sự kiện quan tâm đặc biệt thời bấy giờ. Người dân từ khắp các vùng miền kéo đến nhà ông Bửu để tận mắt xác chết ông Hạo, mặc cho bom đạn, chiến tranh khi đó rất khốc liệt.
Dư luận quá ồn ào, khiến chính quyền Sài Gòn ngày ấy phải vào cuộc tìm hiểu. Họ cử một đoàn 5 bác sỹ giỏi, gồm nhiều chuyên môn khác nhau, trong đó, có một bác sỹ người Mỹ đến nhà ông Bửu đề tìm hiểu sự tình.
Những bác sỹ chuyên khoa này đã ở nhà ông Bửu nhiều ngày, sử dụng nhiều phương tiện máy móc hiện đại nhất thời bấy giờ để khám nghiệm, phân tích, song tuyệt nhiên không đưa ra được kết luận gì. Họ chỉ nói với ông Bửu rằng, ông Hạo đã chết và không thể sống lại được nữa. Các bác sỹ cũng khuyên ông Bửu nên để xác tại nhà, để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu.
Thế là, xác chết không phân hủy của ông Hạo bị quên lãng cho đến tận hôm nay…
Theo VTC