Nhiếp ảnh gia Chris Walker đã chụp được những khoảnh khắc đặc biệt của cầu vồng trong đêm trên đường về nhà tại Richmond, phía bắc Yorkshire, Anh. Cầu vồng này được tạo ra nhờ ánh sáng của mặt trăng.
Chris Walker kể: “Trong lúc lái xe, tôi thấy điều gì đó lạ trên bầu trời. Mưa vừa tạnh, gió thổi mạnh và trăng tròn phía sau lưng. Ánh trăng sáng quá, tôi dễ dàng nhìn thấy cầu vồng ở phía chân trời lúc đêm”.
Cầu vồng là hiện tượng tán sắc của ánh sáng từ mặt trời khi khúc xạ và phản xạ qua các giọt nước mưa. Nhưng trong trường hợp này do ánh sáng của mặt trăng và đây là hiện tượng hiếm khi xảy ra.
Theo Walker, ánh sáng của mặt trăng mờ nhạt hơn hàng nghìn lần so với ánh sáng mặt trời, chính vì thế cầu vồng cũng mờ hơn và chỉ có thể thấy được khi trăng gần tròn. Thậm chí, mắt con người rất khó thấy rõ màu sắc trong đêm. Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia này vẫn có thể nhìn thấy màu đỏ viền ngoài của cầu vồng.
Hình ảnh cầu vồng này gây liên tưởng tới bắc cực quang, một hiện tượng quang học đặc trưng bởi sự thể hiện đầy màu sắc của ánh sáng trên bầu trời về đêm. Hiện tượng này được sinh ra do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió mặt trời với tầng khí quyển Trái đất.